Hôm nọ có tình cờ đọc được bài báo trên vietnam.net với tiêu đề: “Cảnh đau lòng trong xưởng đồ chơi trẻ em”. Trong bài báo, tác giả sử dụng những hình ảnh về một xưởng sản xuất đồ chơi tại Trung Quốc với những dòng miêu tả điều kiện làm việc thiếu thốn và đời sống công nhân vô cùng vất vả. Tất cả vẽ lên một bức tranh u ám, nghèo đói, ở đó các doanh nghiệp luôn bóc lột và lạm dụng sức lao động của người công nhân, thợ thuyền.

Sau khi chia sẻ bài viết này trên trang facebook cá nhân của tôi, Anh Mã – một chủ xưởng cơ khí tại Trung Quốc và là đối tác của công ty NAM HẢI đã inbox cho tôi để trao đổi những suy nghĩ của anh về vấn đề này. Anh ấy đã viết:
Chúng tôi – cả doanh nghiệp lẫn công nhân Trung Quốc, đều gặp phải những khó khăn riêng trong quá trình phát triển. Chúng tôi cũng từng có những sai lầm và đã từng phải trả giá, nhưng chúng tôi hiểu và thông cảm cho nhau, vì điểm chung của chúng tôi vẫn luôn là sự truy cầu hạnh phúc cho tất cả mọi người, từ doanh nghiệp cho đến người lao động.
“ĐỪNG THƯƠNG CẢM CHO CHÚNG TÔI, NẾU MUỐN THOÁT KHỎI ĐÓI NGHÈO, AI CŨNG PHẢI SẴN SÀNG HÀNH ĐỘNG GIỐNG NHƯ CON NGƯỜI TRUNG QUỐC.”
Ngẫm lại thì lời anh Mã cũng thật chí lý. Dù bị gọi là “công xưởng của thế giới” Kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng không ngừng trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong một thập kỉ vừa qua, họ đã lầm lũi tiến lên, phát triển lớn mạnh thành một cường quốc, trở thành đối trọng đáng gờm đối với Mỹ, Nga. Giờ đây họ có thể tự tin khẳng định rằng, mọi sự thay đổi và chuyển mình trên đất nước họ đều ảnh hưởng lớn đến cục diện kinh tế toàn thế giới. Vậy vì sao họ có được những thành tựu đáng ngưỡng mộ đó?
Theo tôi thì Trung Quốc (TQ) giáo dục được người dân biết họ đang ở đâu? Họ muốn đi đến đâu? Và để đi đến đấy họ phải làm gì?
Ở một mức độ nào đó, người TQ hiểu họ là 1 nước nghèo, đông dân, không phải người TQ không hiểu họ đang bị bóc lột, đang phải chịu vất vả, nhưng họ chấp nhận điều đó để TQ thành đại công trường của thế giới, mọi công nghệ tập trung về đây. Khi kinh tế phát triển, nắm công nghệ trong tay, các nước khác sẽ lại làm công trường cho họ.
“Dù điều kiện làm việc tồi tệ nhưng công nhân vẫn lạc quan rằng họ có thể đạt được những kĩ năng mới và tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn” – Chính những con người quả cảm với những suy nghĩ lạc quan này đang tạo nên một Trung Quốc hùng mạnh. Còn chuyện đau lòng với đau xót thì các bạn nhà báo Việt Nam cứ suy diễn rồi thương cảm cho người ta thôi chứ người ta chả đau xót tí nào đâu.
Tôi trộm nghĩ, sách giáo khoa Việt Nam nên ghi ở bìa là: “Nước ta là một nước nghèo, kinh tế và kỹ thuật kém phát triển. Để thay đổi thì các em phải nỗ lực học tập lao động hết mình…” thay cho câu “Nước ta có rừng vàng, biển bạc…”

“Đường ra trận mùa này đẹp lắm” – Trong chiến tranh, chính những suy nghĩ như vậy đã giúp Việt Nam chiến thắng giặc thù. Ngày nay trong sản xuất, “lạc quan và lao động quả cảm hết mình” mới là kim chỉ nan để công nhân vượt khó khăn, doanh nghiệp mới có thể giải quyết các vấn đề. Mà khi đã giải quyết được vấn đề thì “mưu cầu hạnh phúc” sẽ không còn xa xôi!
Ghét TQ thật, nhưng vẫn phải nể phục khả năng của họ và nếu chúng ta không học được suy nghĩ của nước bạn thì sớm hay muộn chúng ta cũng thành thuộc địa của họ về mặt kinh tế, kỹ thuật.
Vậy anh chị em NHF nghĩ sao ạ? Hãy bày tỏ quan điểm của mình ở trên group nhé!
<Link bài báo >